Trong cuộc sống hàng ngày, việc gặp phải chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Tùy vào vết thương ở các vị trí khác nhau như: Chân, tay hay các vị trí khác,... một số có thể tự lành, nhưng không ít trường hợp dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng, có thể gây hoại tử. Đặc biệt, vết thương ở chân có miệng hở là mối quan tâm, lo ngại của nhiều người, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
1. Vai trò của dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng một vai trò thiết yếu trong việc chữa lành và chăm sóc vết thương. Vì thế, một chế độ ăn uống để vết thương mau lành là tối thiểu cần phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu.
Bổ sung thực phẩm chứa nhiều đạm để vết thương mau lành: Các nguồn cung cấp đạm bao gồm thịt đỏ và trắng, cá, trứng, gan, lòng trắng trứng, các sản phẩm từ sữa, đậu nành, các loại đậu, quả hạch và các loại hạt, ngũ cốc.
Tăng cường thực phẩm chứa Vitamin C, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ. Các loại rau chứa nhiều vitamin C như: Rau có màu xanh đậm và quả tươi như đu đủ, thanh long, quýt, cam, bưởi…
Tăng cường thực phẩm chứa Kẽm. Kẽm có vai trò chữa lành vết thương. Ngoài ra, kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp protein và collagen, tăng trưởng và chữa lành mô. Các nguồn thực phẩm chứa kẽm bao gồm thịt đỏ, cá và động vật có vỏ, các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm và trứng.
Bổ sung các thực phẩm giàu Sắt. Sắt là khoáng chất cung cấp oxy cho vết thương. Do đó, thiếu sắt có thể làm giảm khả năng chữa lành. Thiếu sắt cũng có thể dẫn đến suy giảm sản xuất collagen và độ bền của vết thương. Các nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất trong chế độ ăn uống là thịt đỏ, nội tạng, cá, trứng, bánh mì nguyên cám, rau lá xanh đậm, trái cây khô, các loại hạt và chiết xuất từ nấm men.
Tăng cường thực phẩm chứa Vitamin A, làm tăng phản ứng viêm ở vết thương, kích thích tổng hợp collagen. Nguồn cung cấp vitamin A có nhiều trong sữa, pho mát, trứng, cá, rau xanh đậm, cam, trái cây màu đỏ và rau tươi. Ngoài ra, chế độ ăn nên uống đủ nước hằng ngày. Nước giúp lưu thông máu vận chuyển oxy giúp vết thương mau lành.
Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để vết thương mau hồi phục
Trên đây là những thực phẩm nên bổ sung để tăng cường lành vết thương ở người bệnh không có bệnh nền. Tuy nhiên, đối với người bệnh có bệnh lý như: Suy thận, đái tháo đường, gan, ung thư… cần đến gặp ngay các Bác sĩ/ Chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn về hàm lượng các chất cần bổ sung.
2. Một số lưu ý trong việc chăm sóc vết thương
Việc chăm sóc vết thương là rất quan trọng để đảm bảo vết thương lành mạnh một cách nhanh chóng và tránh được các biến chứng. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi chăm sóc vết thương:
- Tuân thủ điều trị thuốc, chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Tuân thủ chế độ ăn bệnh lý theo Bác sĩ Điều trị/ Bác sĩ Dinh dưỡng.
Cần chăm sóc vết thương đúng cách và chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương mau lành
Bên cạnh đó, bạn cần tránh một số loại thực phẩm sau để vết thương mau hồi phục:
+ Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Bao gồm thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói, lạp xưởng...), thực phẩm chiên rán và đồ ăn đóng hộp.
+ Thực phẩm chứa cồn: Bao gồm rượu, bia và các loại đồ uống lên men từ trái cây.
+ Thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, nước ngọt đóng chai và các sản phẩm có đường thêm vào.
+ Thực phẩm chứa nhiều muối: Tiêu thụ quá nhiều muối (ăn quá mặn) có thể kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể ở những người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.
Cần tránh những thực phẩm có hại gây ảnh hưởng cho sức khỏe
Tính đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ thực phẩm nào được chứng minh có khả năng gây ra sẹo sau phẫu thuật. Một số người thường lầm tưởng rằng việc tiêu thụ một số thực phẩm quá bổ dưỡng (Thịt bò, gà, thủy hải sản, rau muống...) có thể gây sẹo lồi, nhưng thực tế không có bằng chứng khoa học rõ ràng về điều này. Do đó, không cần nhất thiết phải kiêng khem bất kỳ thực phẩm nào chỉ vì sợ để lại sẹo, trừ trường hợp dị ứng và nghi ngờ thực phẩm đó đã từng gây sẹo lồi cho một vết thương của mình trước đây.
Cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, có lợi cho sức khỏe
Để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị và chăm sóc các vết thương, bạn nên sớm tiến hành thăm khám và có biện pháp chăm sóc phù hợp. Nếu cần đặt lịch thăm khám, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện thông qua số điện thoại: 0283.864.9834 để được tư vấn và hỗ trợ.
Liên hệ: Phòng khám Dinh Dưỡng - Block 1 - Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện.
Địa chỉ: Lô B9 Thành Thái, Phường 15, Quận 10
Nội bộ: 129 (Khoa Dinh Dưỡng).
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ Lễ, Tết).