Đường dây nóng: 0283.864.9834
Cấp cứu 24/7: 0283.864.9834
Carousel Home
NHIỄM ĐỒNG THỜI BỆNH COVID-19 VÀ CÚM
"Flurona" là một thuật ngữ được đặt ra vào cuối năm 2020 bởi Nhóm Cố vấn Quản lý Dịch bệnh Israel để mô tả khả năng lây nhiễm đồng thời bệnh COVID-19 và cúm.

"Flurona" là một thuật ngữ được đặt ra vào cuối năm 2020 bởi Nhóm Cố vấn Quản lý Dịch bệnh Israel để mô tả khả năng lây nhiễm đồng thời bệnh COVID-19 và cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COVID-19 và cúm mùa đều là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, chẳng hạn ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi.

COVID-19 là do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong khi, bệnh cúm là do nhiễm virus cúm. Cả hai loại virus đều có cấu trúc phân tử là ARN sợi đơn.

Đường lây truyền?

    Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể lây lan từ người sang người giữa những người tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng gần 2m). Cả hai bệnh đều lây lan chủ yếu bởi các phần tử lớn và nhỏ có chứa virus được thải ra ngoài khi những người mắc bệnh (COVID-19 hoặc cúm) ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

    Những hạt này có thể phát tán vào miệng hoặc mũi của những người ở gần đó và có thể được hít vào phổi. Trong một số trường hợp như môi trường trong nhà với hệ thống điều hòa, thông khí kém, các hạt nhỏ có thể lây lan xa hơn 2m và gây nhiễm virus.

    Virus thường lây lan chủ yếu là qua đường hô hấp, tuy nhiên một người có thể bị nhiễm bệnh qua đường tiếp xúc bề mặt (bắt tay với người có virus trên tay của họ) hoặc chạm vào các bề mặt hoặc vật dụng có virus trên đó, và sau đó vô tình chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của chính mình.

Vấn đề sức khỏe khi đồng mắc bệnh COVID-19 và cúm và (Flurona)?

    Nghiên cứu của Tiến sĩ Maaike Swets và các đồng nghiệp tại Vương quốc Anh đăng trên tạp chí The Lancet, đã phân tích dữ liệu từ 212.466 bệnh nhân COVID-19 ở Vương quốc Anh nhập viện trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 2 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021. Trong số 6.965 người đã được xét nghiệm thêm vi rút đường hô hấp, 583 người (8,4%) bị đồng nhiễm cúm, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), hoặc vi rút adenovirus (nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường).

    Kết quả nghiên cứu cho thấy những người đồng mắc bệnh COVID-19 và cúm (Flurona) có nguy cơ phải hỗ trợ thở máy cao gấp 4,14 lần người chỉ nhiễm COVID-19. Người bị nhiễm cả COVID-19 và cúm (Flurona) khi đang nằm viện có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao gấp 2,35 lần so với những người chỉ nhiễm COVID-19 hoặc bị đồng nhiễm với một loại vi rút khác. Nghiên cứu trên đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin đối với cả hai bệnh.

Làm thế nào để nhận biết mình mắc bệnh COVID-19  và cúm (Flurona)?

    Rất khó để biết vì nhiều triệu chứng của bệnh cúm và của COVID-19 tương tự nhau. Cả hai loại vi-rút đều gây nhiễm trùng đường hô hấp. Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm sốt, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, nhức đầu và mệt mỏi. Hầu hết các triệu chứng đó đều giống nhau đối với COVID-19, kèm theo đó là mất vị giác hoặc khứu giác. Do đó, không thể chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Cách phòng ngừa?

    Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình là tiêm phòng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã cho biết việc tiêm phòng bệnh Cúm và COVID-19 hoặc tiêm nhắc lại cùng một lúc là an toàn.

Tuân thủ 5K ( Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, môi trường cần được thông khí tốt…).

Chích ngừa vaccine COVID-19 theo lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.

Chích ngừa vaccine cúm mùa hằng năm.

Ngoài ra có thể chích thêm vaccine phế cầu để phòng ngừa cách bệnh nhiễm khuẩn ở phổi do phế cầu gây ra.

 

Tài liệu tham khảo

  1. "Flurona" co-infection increases the risk of severe illness and death. https://www.gavi.org/vaccineswork/flurona-co-infection-increases-risk-severe-illness-and-death
  2. Flurona and Its Impact on Flu Season. https://www.aha.org/flurona-and-its-impact-flu-season
  3. Maaike C Swets, Clark D Russell, Ewen M Harrison, et al. SARS-CoV-2 co-infection with influenza viruses, respiratory syncytial virus, or adenoviruses. The Lancet, Volume 399, Issue 10334, P1463-1464, April 16, 2022. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(22)00383-X