Đường dây nóng: 0283.864.9834
Cấp cứu 24/7: 0283.864.9834
Carousel Home
DINH DƯỠNG TRONG NGÀY TẾT

Tết là dịp đoàn tụ gia đình, bạn bè, hướng về cội nguồn, tổ tiên... là dịp mọi người có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi thoải mái sau những ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, những ngày Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu không biết cách duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính...

Dịp Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng lượng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…

             

1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong ngày Tết.

Ăn uống trong dịp Tết thường không được điều độ, không đúng bữa, số bữa ăn thường cũng nhiều hơn và là mâm cỗ nên xu hướng nhiều món ăn, trong đó rất nhiều món từ thịt cá, ít món rau, do vậy mức tiêu thụ thịt cá các loại tăng lên rất nhiều so với bữa ăn hàng ngày dẫn đến khẩu phần ăn mất cân đối. Chế độ dinh dưỡng này rất nguy hại đối với những người mắc bệnh gút, tăng huyết áp...

Rượu bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...

Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường... Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.

Để mỗi dịp Tết đến, xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần thì mỗi chúng ta cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình:

  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin & khoáng chất.
  • Tránh ăn uống quá no, không bỏ bữa mà nên ăn vừa phải và đúng bữa, đúng giờ.
  • Hạn chế ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó tăng cường ăn các thực phẩm tươi sống, tự nhiên, rau xanh và trái cây.

Bên cạnh các nguyên tắc dinh dưỡng ngày Tết nêu trên, để đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người từ trẻ con, người trưởng thành, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mạn tính, người bệnh nằm viện, người lớn tuổi vui đón Tết, dưới đây là một số nguyên tắc riêng về dinh dưỡng ngày tết, món ăn dinh dưỡng ngày tết cho từng đối tượng:

- Dinh dưỡng cho ngày Tết đối với người cao tuổi

Để đáp ứng được nhu cầu bồi bổ và bảo vệ sức khỏe, ngoài các nguyên tắc chung nêu trên người lớn tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng cho ngày Tết như sau:

  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn. Thực đơn thay đổi theo từng bữa ăn, tránh ăn đi ăn lại một món.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no khiến dạ dày làm việc vất vả, khó tiêu.
  • Hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng muối cao (thực phẩm chế biến sẵn, dưa cà muối…), thực phẩm nhiều dầu mỡ… Thay vào đó, người lớn tuổi ăn nhiều món ăn dinh dưỡng ngày tết được chế biến theo phương pháp hấp, luộc, hầm thái nhỏ và mềm để dễ nhai và dễ tiêu hóa.
  • Nên ăn cá nhiều hơn thịt, ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như vừng, đậu hũ, các loại đậu… Tránh ăn bánh kẹo ngọt, thực phẩm chứa nhiều tinh bột và chất béo như bánh chưng, giò thủ, thịt nấu đông..
  • Uống đủ lượng nước cơ thể cần (khoảng 1,5 lít/ngày). Ngoài ra, có thể uống sữa, uống chè sen, chè ngó sen… tránh cà phê, nước trà quá đặc.

- Dinh dưỡng cho ngày Tết đối với người có bệnh mạn tính

Những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp cao, viêm loét dạ dày… cần lưu ý:

  • Người bị viêm loét dạ dày: Tránh ăn các thức ăn chua, cay, thức ăn có chất bảo quản hoặc thực phẩm giàu chất đạm, chất béo. Thức uống nên tránh bia, rượu, nước trà quá đặc. Đặc biệt, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá no, quá nhiều thức ăn trong một bữa.
  • Người bị huyết áp cao, bệnh tim mạch: Tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, chứa lượng muối nhiều, thực phẩm nhiều dầu mỡ/chiên xào.
  • Người bị tiểu đường: Cần hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu tinh bột, có lượng đường cao…

Đặc biệt, luôn phải tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ đang điều trị của bác sĩ.

Dinh dưỡng cho ngày Tết đối với người bệnh nằm viện

  •  Đối với người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện trong những ngày tết cần lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn toàn thực phẩm và dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại.
  •  Để hiệu quả điều trị tốt nhất người bệnh nên được chỉ định ăn theo đúng nhu cầu và bệnh lý. Do đó, người bệnh nên được cung cấp suất ăn trong bệnh viện và tuân thủ hướng dẫn điều trị theo chỉ định của bác sỹ.
  •  Hạn chế sử dụng và mang thực phẩm từ ngoài vào bệnh viện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tuân thủ phác đồ điều trị bệnh 

Dinh dưỡng cho ngày Tết đối với người đang giảm cân

Đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể

  •  Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây là một trong những nguyên tắc dinh dưỡng cho ngày tết mà người đang giảm cân cần phải thuộc lòng.
  •  Ngoài ra, để đảm bảo việc giảm cân của mình hiệu quả, bạn cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo lượng calo nạp vào được tiêu thụ hết.
  •  Đồng thời, cần ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn các thực phẩm giàu tinh bột và thực phẩm ngọt, nhiều đường.

2. Cách bảo quản thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho ngày Tết 

Ở khắp các vùng miền, việc nhà nhà, người người “trữ” thực phẩm dùng trong 3 ngày tết rất phổ biến. Để tránh gặp phải tình trạng thực phẩm bị vi khuẩn xâm nhập hư hỏng, khiến các món ăn dinh dưỡng ngày tết không còn dinh dưỡng, hãy bỏ túi các mẹo sau:

  • Với thực phẩm tươi sống: Cần rửa sạch, để ráo nước, phân loại và cho vào túi đựng thực phẩm hoặc các hộp nhựa bảo quản trong ngăn đông. Đến bữa, rã đông vừa đủ các thực phẩm cần sử dụng.
  • Với các loại rau củ, trái cây: Rửa và làm sạch những phần bị dập, hư hỏng, để ráo và cho vào túi đựng thực phẩm buộc kín, bảo quản trong ngăn mát. Đặc biệt với trái cây, khi nào ăn hãy gọt vỏ, không gọt vỏ trước.
  • Với thực phẩm đã nấu chín: Để nguội, cho vào hộp có nắp đậy hoặc sử dụng màng bọc thực phẩm bọc lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Các loại bánh chưng, bánh tét: Cất nơi thoáng mát, không đè hoặc để bất cứ vật gì lên bánh. Tốt nhất nên treo bánh lên
  • Giò, nem, chả: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Cuối cùng, để đảm bảo các món ăn dinh dưỡng ngày tết thật sự dinh dưỡng và an toàn thì bạn hãy sử dụng chúng trong thời hạn quy định. Đồng thời, cần tuân thủ các quy tắc bảo quản cho từng loại thực phẩm, giúp thực phẩm luôn tươi ngon và an toàn vệ sinh, đảm bảo dinh dưỡng ngày tết cho cả gia đình.

Mong rằng mọi người, mọi nhà đón năm mới an vui, hạnh phúc, đảm bảo sức khỏe bằng cách chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, đồng thời cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện