Đường dây nóng: 0283.864.9834
Cấp cứu 24/7: 0283.864.9834
Carousel Home
LÀM VIỆC NGOÀI TRỜI MÙA NẮNG NÓNG: NGUY CƠ SỐC NHIỆT
 

Thời tiết đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ có lúc lên đến 38 – 40 độ C. Thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe làm gia tăng các ca sốc nhiệt.

anh tin bai

Định nghĩa

1. SỐC NHIỆT LÀ GÌ ?

Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật).

Sốc nhiệt là một trường hợp cấp cứu y tế, có thể dẫn đến tử vong nên cần được xử trí, điều trị nhanh chóng.

Khi làm việc dưới trời nắng nóng, thân nhiệt tăng cao vượt quá khả năng tự điều chỉnh của cơ thể có thể dẫn đến rối loạn điện giải, “chuột rút” và “kiệt sức vì nhiệt”. Những tình trạng này không nghiêm trọng như sốc nhiệt, nhưng chúng có thể dẫn đến tai nạn lao động, các biến chứng tăng huyết áp, đột quỵ...

anh tin bai

 

2. NHÓM ĐỐI TƯỢNG

  1. Người già, trẻ em, phụ nữ: Là những người có khả năng chịu đựng kém.
  2. Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư,...
  3. Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,…

3. TRIỆU CHỨNG CỦA SỐC NHIỆT

Người bị sốt nhiệt có các triệu chứng:

  • Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C.
  • Da nóng và khô (toát mồ hôi hiện diện trong một nửa các trường hợp của say nóng lúc hoạt động vật lý).
  • Các dấu hiệu sớm và các triệu chứng gồm có: mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, mửa và ỉa chảy.
  • Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
  • Rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
  • Rối loạn thần kinh trung ương: cơn động kinh và hôn mê.
  • Suy gan, suy thận.
  • Rối loạn đông máu.
  • Tiêu cơ vân (rhabdomyolyse).

4. BIẾN CHỨNG

Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan:

  • Tim mạch: nhịp nhanh xoang, tụt HA, thay đổi ST-T, tăng men tim, thủng cơ tim
  • Phổi: phù phổi, viêm phổi, kiềm hô hấp và ARDS
  • Thận: tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp
  • Điện giải: hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu.
  • Huyết học: Rối loạn đông máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch
  • Thần kinh: liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn
  • Gan: vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan

 5. SƠ CẤP CỨU

anh tin bai

 Người cấp cứu cần đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, chuyển tới nơi bóng râm, mát, cởi bỏ quẩn áo, ngay lập tức hạ thân nhiệt bằng các cách sau:

  • Đặt bệnh nhân trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt
  • Xối nước lạnh 25- 30 độ C vào bệnh nhân hoặc phủ gạc ướt, lạnh 20-25 độ C vào bệnh nhân và quạt, có thể ngâm bệnh nhân vào nước lạnh 20- 25 độ C, để đầu trên mặt nước, theo dõi sát chức năng sống.
  • Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.

     Việc hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách cần được thực hiện, tuy nhiên không được gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, có thể vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.

6. CÁCH PHÒNG TRÁNH SỐC NHIỆT

 Biện pháp tổ chức lao động:

  • Bố trí làm việc vào thời tiết mát mẻ: Những ngày nhiệt độ môi trường tăng cao nên bố trí làm việc vào lúc thời tiết mát mẻ, phân công lao động làm các công việc ít vận động hơn, hạn chế làm việc ngoài trời.
  • Không làm việc quá sức: Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức độ ẩm cao, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
  • Nghỉ ngơi định kỳ: Sau khoảng 45 phút hoặc 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, hãy nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút. Điều này giúp tái tạo năng lượng và tăng hiệu suất làm việc.

Biện pháp y tế:

  • Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
  • Theo dõi sức khỏe: Người bị ảnh hưởng nhiều do nắng nóng như người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính... để được điều trị kịp thời.
  • Uống nước đầy đủ: Khuyến khích người lao động uống nước đều đặn, ngay cả khi họ chưa cảm thấy khát. Bạn có thể pha một chút muối vào nước uống hoặc sử dụng dung dịch oresol, nước chanh hoặc nước trái cây (không chứa cồn hoặc cafein).
  • Chăm sóc dinh dưỡng: Xây dựng thực đơn cho người lao động bao gồm nhiều rau xanh và củ quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể.

 Biện pháp cá nhân:

  • Tập luyện thể dục: Tăng cường rèn luyện giúp cơ thể nâng cao sức khỏe tăng cường thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
  • Trang bị bảo hộ lao động: Luôn trang bị cho người lao động đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
  • Lựa chọn trang phục phù hợp: Khi làm việc ngoài trời nắng nóng cần mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi và sáng màu.
  • Tránh tắm ngay sau khi ra nắng: Không nên tắm ngay sau khi đi nắng về, vì đây là lúc cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, thân nhiệt thay đổi đột ngột sẽ nguy hiểm, dễ dẫn đến đột quỵ. 

  U Ý:

  •  Phát hiện, chấn đoán muộn và sơ cứu không hợp lý sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong.
  • Chẩn đoán sớm sốc nhiệt: sốt cao + rối loạn thần kinh trung ương + nhiệt độ cao của môi trường hoặc gắng sức thể lực.
  • Sơ cấp cứu tại chỗ đóng vai trò quan trọng, bằng các biện pháp hạ thân nhiệt, sau đó mới vận chuyển về tuyến sau.
  • Tình trạng suy đa tạng diễn biến nhanh nếu không hạ được thân nhiệt.
  • Điều trị: hạ thân nhiệt và điều trị suy đa tạng (lọc máu liên tục…)

Tài liệu tham khảo:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (2024), Làm việc ngoài trời - Cẩn trọng với sốc nhiệt, Thành phố Hồ Chí Minh, accessed, from https://hcdc.vn/lam-viec-ngoai-troi--can-trong-voi-soc-nhiet-tC7DyQ.html

TRUNG TÂM Y TẾ LAO ĐỘNG - BỆNH VIỆN ĐA KHOA BƯU ĐIỆN

Địa chỉ: Lô B9, đường Thành Thái, Phường 15, Quận 10, TP. HCM

Hotline: 0283.864.9834

 Website: https://bvdkbuudien.com.vn/

Email:

Fanpage: