Đường dây nóng: 0283.864.9834
Cấp cứu 24/7: 0283.864.9834
Carousel Home
CÁC VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KHI TIÊM CHỦNG VACCINE COVID-19
Để hiểu rõ và nắm thông tin các việc cần làm trước - trong và sau tiêm chủng vaccine Covid-19, chúng ta cùng cập nhật thông tin do bác sĩ Lê Đức Thành Nhân - Khoa Liên Chuyên Khoa BV ĐKBĐ hướng dẫn rất chi tiết và đầy đủ

TP.HCM đã phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, TP yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm y tế các quận/huyện có kế hoạch tiêm chủng cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu…

Để hiểu rõ và nắm thông tin các việc cần làm trước - trong và sau tiêm chủng vaccine Covid-19, chúng ta cùng cập nhật thông tin do bác sĩ Lê Đức Thành Nhân - Khoa Liên Chuyên Khoa BV ĐKBĐ hướng dẫn rất chi tiết và đầy đủ 💚

🩺🩺🩺🩺🩺🩺🩺🩺🩺

Tiêm chủng vaccine Covid-19 cho toàn dân đang được dư luận quan tâm nhiều hiện nay và chủ đề này đã được các Thầy Cô, các anh chị em đồng nghiệp đưa ra nhiều ý kiến tham luận rất tâm huyết và gần gũi. Nhân dịp vừa được chích mũi AstraZeneca thứ 2, tôi cũng xin chia sẻ ít kiến thức và kinh nghiệm của mình để mọi người không làm việc trong lĩnh vực y tế có thể tham khảo.

💖 TRƯỚC KHI TIÊM CHỦNG

👉 Gặp bác sĩ để được thăm khám và điều chỉnh liều các loại thuốc đang sử dụng để đảm bảo các bệnh lý mạn tính hiện đang ổn định và có thể thực hiện tiêm ngừa.

👉 Để chuẩn bị tâm lý thoải mái hơn hãy tìm hiểu về vaccine mình sắp được tiêm. Nhưng cần lưu ý trong thời đại 4.0 hiện nay có rất nhiều thông tin sai lệch về vaccine trên mạng internet, vì vậy điều quan trọng là phải luôn lấy thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như: trang thông tin của Bộ y tế, Cục y tế dụ phòng (VNCDC), Tổ chức y tế thế giới (WHO), quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) - Các đường link tham khảo ở cuối bài viết.

👉 Hãy ngủ đủ giấc vào ban đêm, ăn uống và bổ sung nước đầy đủ trước khi tiêm phòng, đảm bảo rằng tinh thần luôn ở mức tốt nhất.

👉 Lên lịch trình làm việc nhẹ nhàng vào ngày tiêm chủng, hạn chế các việc nặng hay gắng sức.

💖 NGÀY HẸN TIÊM CHỦNG

👉 Luôn đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn tại cơ sở tiêm chủng (như giữ khoảng cách trong khi chờ đợi, đeo khẩu trang, khử khuẩn tay) và thực hiện các bước theo trình tự dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

👉 Điền đầy đủ thông tin vào phiếu khám sàng lọc và phiếu đồng ý tiêm vaccine. Phiếu khám sàng lọc sẽ khai thác các thông tin về bệnh lý hiện mắc/đang điều trị, tiền sử dị ứng, tiêm ngừa trước đó,…nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm. Lưu ý, nếu chỗ nào thắc mắc nên để trống và nhờ nhân viên y tế hỗ trợ.

👉 Bác sĩ sẽ khám kiểm tra lại từng người một trước khi tiêm vaccine.

💖 SAU KHI TIÊM CHỦNG

👉 Nhớ phải ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút sau khi tiêm vaccine để đảm bảo không có bất kỳ phản ứng tức thời nào. Các nghiên cứu thống kê cho thấy rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm. Sau đó, nhân viên y tế sẽ kiểm tra lại mạch và huyết áp.

👉 Sau khi tiêm, mỗi người sẽ nhận được một phiếu xác nhận tiêm chủng, trong đó sẽ bao gồm các thông tin hành chánh cá nhân, tên vaccine, thời gian và địa điểm tiêm chủng. Hãy nhớ luôn giữ cẩn thận phiếu này vì có thể sẽ cần đến trong tương lai.

👉 Nhớ dùng smartphone lưu lại mã QR tại cơ sở tiêm chủng trước khi ra về để thực hiện phiếu theo dõi sau tiêm mỗi ngày tại nhà, trong vòng 7 ngày sau tiêm. Lưu ý, để dễ dàng theo dõi, mỗi cơ sở tiêm chủng sẽ có một mã QR khác nhau.

👉 Khi về nhà, luôn nhớ tự theo dõi các triệu chứng có thể xuất hiện sau tiêm như sưng/đau tại chỗ tiêm, tiêu chảy/ đau bụng, sốt ≥37,50C, đau họng, chảy nước mũi, ho, ớn lạnh, chóng mặt, nổi hạch, phát ban nổi mẩn/ngứa ngoài da, đau đầu, đau cơ/khớp, mệt mỏi, chán ăn. Các triệu chứng này thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và biến mất sau vài ngày.

👉 Lưu ý, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay nếu bất kỳ triệu chứng nào kể trên kéo dài trong nhiều ngày hoặc xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như: khò khè, khó thở, lừ đừ, vật vã, buồn nôn/nôn, sốt cao >390C…

👉 Vaccine sẽ phát huy tối đa công dụng sau 2 tuần kể từ lúc tiêm liều cuối cùng (liều thứ hai đối với các vacccin Pfizer-BioNtech, Moderna, AstraZeneca hoặc liều duy nhất đối với J&J/Janssen). Tỉ lệ ngừa bệnh của các vaccine giao động từ 66 – 95% tùy theo hãng sản xuất và biến chủng của virus. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu một người đã tiêm chủng chẳng may mắc bệnh thì hiếm khi bệnh diễn tiến nặng, dẫn đến tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn người chưa tiêm chủng)

👉 Luôn nhớ giữ an toàn cho bản thân và người khác. Mặc dù các loại vaccine này đang cho thấy có hiệu quả cao trong việc bảo vệ mọi người chống lại diễn tiến nặng do Covid-19, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem liệu một người đã tiêm vaccine có thể vẫn lây lan virus, ngay cả khi không có triệu chứng hay không. Do đó, để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hành các biện pháp #5K (bao gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và thêm 1K nữa là KHÔNG CHỦ QUAN.