CS1: (028)3864.9837 - 3864.9836 CS2: (028)3519.0579 - 3898.9077
Carousel Home
CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/05
Chúc mừng Kỷ niệm 59 năm Ngày Quốc tế Điều dưỡng. Ngày 12/05/1965 Hội đồng Điều dưỡng thế giới quyết định chọn ngày 12/05 hằng năm - ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ va ghi nhận những công lao, cống hiến to lớn của bà trong  việc hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại.
Có người cho rằng: “Phía sau một người bác sĩ giỏi, là một người điều dưỡng giỏi. Đứng sau một ca bệnh thành công không thể thiếu vắng sự trợ giúp đầy chuyên môn của những người điều dưỡng.” Từ đó để chúng ta thấy rằng, điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe.

 

1. Nghề “Điều dưỡng” là gì? 

Điều dưỡng - một nghề hy sinh thầm lặng, chẳng quản vất vả và ngày đêm chăm sóc toàn diện cho rất nhiều người không phải là người thân của mình. Thế nhưng, mọi công sức, tình cảm trao đi và điều họ nhận lại là những món quà tinh thần vô giá, chẳng hạn như: Sức khỏe, nụ cười và sự trân quý của người bệnh.

 

Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã quyết định chọn ngày ngày 12 tháng 5 hàng năm – ngày sinh của bà Florence Nightingale làm ngày Quốc tế Điều dưỡng nhằm ghi nhận, tôn vinh và tưởng nhớ đến những cống hiến to lớn của bà trong việc hình thành và phát triển ngành của ngành Điều dưỡng hiện đại. Ngày này cũng là dịp để nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người Điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người trên toàn thế giới. 

anh tin bai
  
Florence Nightingale được coi là một trong những người tiên phong và có công lớn trong lĩnh vực Điều dưỡng. Bà không chỉ đơn thuần là một y tá, mà còn là một nhà hoạt động xã hội và nhà lãnh đạo. Không những thế, bà đã thiết lập nên những nguyên tắc chăm sóc sức khỏe mới mẻ và tiên tiến, bao gồm việc cải thiện điều kiện vệ sinh, quản lý dược phẩm và cung cấp chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân.
 

2. Quá trình hình thành và phát triển ngành Điều dưỡng hiện đại

Florence Nightingale (1820 – 1910), sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ý và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Vì vậy, bà bị gia đình ngăn cấm và không cho làm những nghề nghèo hèn như nghề y tá lúc bấy giờ. Nhưng để thể hiện sự quyết tâm và ước mơ là giúp đỡ những người nghèo khổ, bà quyết định rời khỏi gia đình để theo đuổi lý tưởng, thực hiện ước mơ cứu người và chăm sóc người bệnh.

Năm 1847, Florence Nightingale vào học và làm việc tại một bệnh viện ở Đức. Khi chọn nghề này, bà gặp rất nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Đến năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, Florence điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.
 
Vào những năm 1854 -1855, trong cuộc chiến tranh Crimée nổ ra, Florence cùng với 38 phụ nữ Anh khác được Chính phủ Anh điều sang Thổ Nhĩ Kỳ với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh của quân đội Hoàng gia Anh tại các mặt trận. Vào thời điểm này, các bệnh viện tiền phương luôn trong tình trạng bẩn thỉu và những binh lính người Anh bị thương và chết nhiều vô số kể do các dịch tả và thương hàn gây ra. Bên cạnh đó, số lượng người chết vì bệnh tật nhiều hơn cả trên chiến trường. 
 
Có thể nói rằng, Florence Nightingale là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế và yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh, chống nhiễm trùng. Nhờ đó, tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng giảm từ 42% xuống còn 2%. Trong đêm, Florence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh nên được mệnh danh là “Nữ công tước với cây đèn” hay “Thiên thần trong bệnh viện”.
 
Ngoài ra, bà còn góp phần vào phát triển điều dưỡng chuyên nghiệp bằng cách lập ra Trường Điều dưỡng Nightingale ở London và góp phần quan trọng vào việc phát triển nghề điều dưỡng chuyên nghiệp. Trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ y tá và người làm công việc điều dưỡng có trình độ cao với sự tận tâm và lòng nhiệt huyết trong việc chăm sóc người bệnh.
 
Nhờ vào những đóng góp đáng kính này, Florence Nightingale được coi là biểu tượng của nghề điều dưỡng và là người tiên phong trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Hình ảnh “người phụ nữ với cây đèn” trong những năm tháng chiến tranh sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong lòng mọi người. Mang trong mình một tấm lòng tận tụy, luôn hết mình, thầm lặng và yêu thương con người. Vì vậy, Florence Nightingale đã trở thành biểu tượng và tôn chỉ của ngành điều dưỡng.
 
Nguồn gốc hình ảnh cây đèn đã trở thành biểu tượng của ngành điều dưỡng. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thề của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp ở nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.
 
anh tin bai
 
3. Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện - Niềm tin cho sức khỏe của bạn 

Bệnh viện đa khoa Bưu Điện với phương châm hoạt động: “Đoàn kết – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, đội ngũ Cán bộ Công nhân viên của Bệnh viện luôn gắn bó, đoàn kết và phấn đấu về mọi mặt, không ngừng hoàn thiện dịch vụ “chăm sóc khách hàng”. Với tiêu chí “Đến: đón tiếp niềm nở - Ở: chăm sóc tận tình – Về: dặn dò chu đáo”, khách hàng khi đến với Bệnh viện luôn được tôn trọng, phục vụ và chăm sóc chu đáo.

Cũng như những bộ phận khác, Điều dưỡng chính là người luôn song hành hành cùng với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Họ luôn chiến đấu hết mình, luôn đặt tâm huyết của mình vào việc chăm sóc người bệnh, là người luôn ân cần, chu đáo và tỉ mỉ trong mọi tình huống, kề vai sát cánh cùng bệnh nhân từ lúc vào viện đến khi ra về.
 
Người Điều dưỡng không chỉ chăm sóc về mặt vật lý mà còn hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và gia đình. Họ luôn lắng nghe, thấu hiểu và động viên nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để bệnh nhân cảm thấy an tâm và tin tưởng trong quá trình điều trị. Ngoài ra, nhiệm vụ của người Điều dưỡng cần có sự phối hợp và làm việc chặt chẽ với các bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế khác để đảm bảo rằng bệnh nhân nhận được chăm sóc toàn diện và hiệu quả nhất. 
 
anh tin bai

 

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/05, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các bạn Điều dưỡng viên, Kỹ thuật viên, Hộ sinh thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công mới, xứng đáng với sự trân trọng và tôn vinh của xã hội. Luôn tâm huyết, yêu nghề và vững tin trên con đường mà chúng ta đã chọn. 

Mọi chi tiết xin liên hệ: Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện.
Địa chỉ: Lô B9 Thành Thái, phường 15, quận 10.
Thời gian làm việc: Từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ Lễ, Tết).