Đường dây nóng: 0283.864.9834
Cấp cứu 24/7: 0283.864.9834
Carousel Home
GÓC TƯ VẤN SỨC KHỎE
GÓC TƯ VẤN SỨC KHỎE

* Bác Nguyễn Thị Liễu, 65 tuổi - Bình Phước, hỏi: Lúc trước có điều trị đau khớp tại Bệnh viện và đã hết đau, nhưng do nhà ở Bình Phước không có điều kiện đi tái khám. Hằng ngày phụ giúp con gái bưng cafe nên bị tê chân, tê hết hai lòng bàn chân, cảm giác có cát trong lòng bàn chân khi đi lại, đi nhiều thì càng tê nhiều. Nhờ BS tư vấn thêm.

* Bác sĩ tư vấn Bệnh nhân bị tê chân nhiều tháng, chân bị sưng phù nhưng chưa đi khám. Nguyên nhân có thể liên quan đến đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, các bệnh về mạch máu... Vì vậy, bệnh nhân nên đi khám sớm để phát hiện vấn đề và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả. 

* Chị Bùi Thị Diệu Trang - Số điện thoại 0349 52x xxx, hỏi: Bệnh nhân đang bị tiểu đường thì khi bị gãy cổ xương đùi tỷ lệ điều trị khỏi bệnh là bao nhiêu %?

* Bác sĩ tư vấn : Bệnh nhân đang bị tiểu đường sẽ có ảnh hưởng đến quá trình điều trị gãy cổ xương đùi như đường huyết cao chưa thể mổ ngay, vết thương lâu lành... Vì vậy,  Bác sĩ sẽ kiểm soát, điều chỉnh đường huyết ổn định cho bệnh nhân ở mức độ an toàn trước và trong điều trị để đảm an toàn khi thực hiện phẫu thuật và điều trị hồi phục.

Bác Bùi Xuân Đỗ, 79 tuổi - Số điện thoại 0938 49x xxx, hỏi: Tôi hay bị thiếu ngủ, ngủ hay tỉnh giấc, cảm thấy khó thở, có phải là tôi bị suy tim hay không? Bà xã tôi đi siêu âm thì bác sĩ bảo bị van nội tim mạch, tôi không hiểu bệnh đó thì như thế nào có thể điều trị bằng thuốc hay phải giải phẫu?

* Bác sĩ tư vấn: Với trường hợp của bác trai thì phải đi khám bác sĩ để xác định rõ bệnh lý, đồng thời có thể gắn máy theo dõi huyết áp 24 giờ theo dõi nhịp tim hằng ngày để có biện pháp giải quyết khi nhịp tim hay huyết áp tăng đột ngột, phòng ngừa kịp thời nguy cơ trước khi quá muộn. Còn trường hợp của bác gái thì càng lớn tuổi thì mạch máu càng sưng dẫn dến nguy cơ xơ vữa động mạch. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu nhẹ thì có thể sửa van bằng cách nạo vét van, nếu nặng thì phải phẫu thuật thay van. Bác nên đưa bác gái đi khám hai, ba nơi để có sự so sánh, được bác sĩ tư vấn rõ ràng. Những cơ sở y tế chuyên về tim mạch và có lịch sử lâu đời bác có thể tới khám như Bệnh viện Đại học Y dược, Viện tim, Bệnh viện 115…

Bác Đỗ Tuấn Nghĩa - Số điện thoại liên hệ 0903 22x xxx, hỏi:

1/ Tôi đã bị tiểu đường 3 năm rồi. Bác sĩ cho tôi hỏi là tại sao lúc tôi mới phát hiện bị tiểu đường mà bác sĩ đã cho chích thuốc insulin rồi? Đi khám thì có bác sĩ nói tôi phải ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, có bác sĩ lại nói chỉ cần ăn ba bữa/ngày thôi (thức ăn như thịt, cá, cơm thì khoảng một chén nhỏ, rau thì một tô lớn), như vậy thế nào mới đúng?     

2/ Khi mới phát hiện mình bị tiểu đường tôi cảm thấy bị sốc, ăn uống cũng rất cẩn thận giữ gìn, kiêng khem đủ thứ, không dám ăn nhiều nên tôi bị sụt cân từ 67kg xuống còn 61kg. Sau một thời gian điều trị tôi đã tăng được lên 62kg. Khi điều trị được 02 năm, lượng đường huyết của tôi tương đối ổn định, nhưng cân nặng của tôi lại giảm. Bác sĩ cho tôi hỏi tôi bị sụt cân như vậy thì ngoài việc uống thuốc điều trị tiểu đường, ăn uống, tập thể dục theo lời bác sĩ điều trị tôi có nên uống thêm sâm hay các loại thuốc bổ khác không?

* Bác sĩ tư vấn:

1/ Việc bác sĩ chỉ định chích thuốc insulin là không sai. Bác sĩ làm như vậy để kiểm soát lượng đường trong máu của bác tốt hơn. Việc ăn ba bữa trong ngày hay ăn nhiều bữa nhỏ tùy thuộc từng bệnh nhân cụ thể. Bác sĩ nói bác ăn ba bữa chính trong ngày là để mình điều chỉnh lượng đường dễ hơn. Mình đang dùng thuốc điều trị tiểu đường mà ăn nhiều bữa thì có thể dẫn đến nguy cơ bị tăng hoặc giảm đường huyết nhiều hơn.

2/ Khi bác bị sụt cân trong quá trình điều trị tiểu đường, bác không cần phải uống thêm sâm hay bất kỳ thuốc bổ nào cả, vì những loại thuốc này là thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường. Chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng sâm là tốt hay xấu cho người bị bệnh tiểu đường. Bác chỉ cần giữ cho đường huyết ở mức ổn định, theo dõi đường huyết thường xuyên. Tùy cơ địa và lượng đường huyết mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kiểm soát đương huyết giúp mình giữ được trọng lượng cơ thể ổn định.

* Cô Trần Ngọc Phượng - Số điện thoại liên hệ 0918 03x xxx, hỏi: Tôi đi khám thì thấy chỉ số đường huyết có cao một chút, bác sĩ nói tôi đang trong thời kỳ tiền đái tháo đường. Tôi cũng đã lớn tuổi nên việc ăn uống cũng không tốt lắm, bác sĩ cho tôi hỏi là bây giờ tôi chỉ cần điều chỉnh về chế độ sinh hoạt và ăn uống thôi đúng không? Và trong thời gian bao lâu thì tôi phải thử máu lại để theo dõi đường huyết lại?

* Bác sĩ tư vấn:  Để kết luận bệnh nhân bị đái tháo đường không chỉ dựa vào chỉ số đường huyết (đo đường huyết đói và đường huyết sau ăn 2 giờ) mà còn phải đo chỉ số HbA1c. Nếu cô có nguy cơ tiền đái tháo đường thì không cần dùng thuốc chỉ cần điều chỉnh lối sống, ăn uống giảm lượng tinh bột như cơm, bún và đồ ngọt cũng phải hạn chế. Sau khi thực hiện tốt các chế độ ăn này thì sau một tháng nên đi kiểm tra, thử lại đường huyết; nếu chỉ số ổn định thì cứ 3 tháng hoặc 6 tháng kiểm tra lại một lần. Sau khi đã kiểm soát chế độ ăn uống nhưng lượng đường huyết vẫn không giảm thì cô phải làm các xét nghiệm khác để tầm soát thêm; nếu có các bệnh lý khác thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho cô dùng thuốc với liều lượng thấp, phù hợp.